Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Quy trình chăn nuôi vịt thịt trên sàn

      Vịt thuộc loại thuỷ cầm có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh. Thông thường vịt được nuôi theo phương thức chăn thả tuy nhiên vịt rất dễ bị nhiễm bệnh từ chất thải chăn nuôi, việc chăn thả cũng gây ô nhiễm nguồn nước. Trong nhưng năm gần đây, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh đang thực hiện “Mô hình nuôi vịt thịt trên sàn” nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh tật do hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất ẩm ướt và môi trường ô nhiễm tạo điều kiện cho vịt sống trong môi trường khô ráo, sạch sẽ, đồng thời hạn chế các bệnh truyền nhiễm phổ biến như vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng, từ đó nâng cao sức khỏe tổng thể của đàn vịt. Bên cạnh đó việc nuôi vịt trên sàn giúp cải thiện đáng kể điều kiện sống của vịt, bao gồm sự thông thoáng và sạch sẽ, giúp vịt phát triển tốt hơn. Từ đó, sản lượng trứng và thịt tăng lên đáng kể, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Vịt có thể đạt trọng lượng tốt hơn trong thời gian ngắn hơn nhờ điều kiện sống lý tưởng này. Để giúp bà con chăn nuôi biết thêm kỹ thuật này, bản tin nông nghiệp số này xin gửi đến bà con quy trình nuôi vịt thịt trên sàn như sau:
 

Chuẩn bị chuồng nuôi:
    Chuồng nuôi vịt trên sàn cần được xây dựng một cách khoa học và hợp lý để đảm bảo sức khỏe và năng suất chăn nuôi cao. Đầu tiên, việc chọn địa điểm là yếu tố quan trọng. Chuồng nuôi vịt cần được xây dựng tại những vị trí cao ráo, thông thoáng, tránh xa các nguồn ô nhiễm như nước thải, rác thải và khu vực đông người, nhằm bảo vệ đàn vịt khỏi các tác nhân gây bệnh và ô nhiễm môi trường.
    Thiết kế chuồng cần đảm bảo kích thước và cấu trúc hợp lý để vịt có không gian sinh hoạt thoải mái. Sử dụng vật liệu chống thấm và dễ vệ sinh như xi măng, gạch đá sẽ giúp giữ vệ sinh chuồng trại lâu dài, đồng thời giúp dễ dàng kiểm soát chất thải và ngăn ngừa dịch bệnh. Hệ thống quạt thông gió cũng rất quan trọng đối với nuôi nhốt để khống chế độ ẩm và mùi. Vì là dòng thủy cầm nên vịt luôn cần nước đủ để uống tự do và phun tắm khi cần thiết. Nguồn điện luôn chủ động để bảo đảm cho quạt lưu thông gió và duy trì nguồn nước.
    Về mật độ nuôi, đối với giai đoạn đầu, vịt con cần được nuôi với mật độ từ 7 - 10 con/m², giúp chúng có đủ không gian để phát triển tốt. Đối với vịt trưởng thành, mật độ thích hợp là 3 - 4 con/m² để đảm bảo sự thoải mái trong sinh hoạt và giảm áp lực lên môi trường sống của đàn vịt. Điều này không chỉ góp phần vào sức khỏe của đàn vịt mà còn nâng cao hiệu quả chăn nuôi và sản lượng.
    Nhiệt độ chuồng nuôi
    Để đảm bảo cho vịt mạnh khoẻ nhiệt độ chuồng nuôi khi vịt:
    Từ 1 - 3 ngày tuổi phải đạt 31 - 320C .
    Từ  4 - 8  ngày tuổi phải đạt 29 - 300C.
    Từ  9 - 13 ngày tuổi phải đạt 27 - 280C.
    14 - 28  ngày tuổi phải đạt 25 - 260C
    (Nhiệt độ chuồng nuôi được đo ở độ cao đầu vịt).
    Trên 28 ngày vịt sống trong điều kiện tự nhiên.
    Quản lý môi trường trong chuồng nuôi
    Quản lý môi trường trong chuồng là một yếu tố quan trọng trong chăn nuôi vịt để đảm bảo sức khỏe và năng suất tối ưu. Một trong những yếu tố cần được kiểm soát là độ ẩm trong chuồng, với mức lý tưởng từ 60 - 70%. Độ ẩm quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vịt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác. Việc duy trì độ ẩm ở mức này giúp tạo môi trường sống lý tưởng, giúp vịt phát triển tốt và tăng cường khả năng chống lại các bệnh tật.
    Bên cạnh đó, vệ sinh chuồng trại cũng là một yếu tố không thể thiếu. Thường xuyên dọn dẹp và khử trùng chuồng giúp loại bỏ các mầm bệnh, vi khuẩn, và ký sinh trùng có thể gây hại cho đàn vịt. Việc đảm bảo môi trường sạch sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh mà còn góp phần vào việc duy trì sức khỏe lâu dài cho vịt. Các biện pháp như vệ sinh định kỳ, sử dụng các chất khử trùng phù hợp, và giữ cho chuồng thoáng mát sẽ giúp kiểm soát tốt môi trường sống cho vịt, đảm bảo một môi trường chăn nuôi bền vững và hiệu quả.
    Mật độ và độ lớn của đàn
    Hai yếu tố mật độ và độ lớn của đàn tác động trực tiếp đến khả năng sinh trưởng và chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cơ cấu đàn nhỏ có thể tăng mật độ và ngược lại.
    Tuần 1, mật độ từ 20 - 25 con/m2
    Tuần 2, mật độ từ  10 - 15 con/m2
    Tuần 3, mật độ từ  6 - 7 con/m2
    Giai đoạn tuổi hình thức nuôi mật độ tối đa 5 con/m2 (không tính diện tích hỗ trợ kỹ thuật).
    Chế độ chiếu sáng
    Tuần thứ 1 chiếu sáng 24/24 giờ.
    Tuần thứ 2 chiếu sáng 20/24 giờ.
    Tuần thứ 3 chiếu sáng 16/24 giờ.
    Từ tuần 4 trở lên vịt sống trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.
    Nước uống
    Đảm bảo sạch và vịt được uống nước tự do, ở tuần tuổi thứ nhất không cho vịt uống nước lạnh dưới 15oC.
    Thức ăn và nuôi dưỡng
    Thức ăn cho vịt tốt nhất là dùng thức ăn công nghiệp của các công ty có uy tín cung cấp, chia làm 2 giai đoạn:
    + Giai đoạn 1 - 21 ngày tuổi: Thức ăn đạt 20% đạm tiêu hoá, năng lượng 2.890 kcal.
    + Giai đoạn 22 - 56 ngày tuổi: Thức ăn đạt 16% đạm tiêu hoá, năng lượng 2.890 Kcal.
    Vịt thương phẩm thức ăn đạt 15% đạm tiêu hoá, năng lượng 3.000 kcal.
    Trước khi cho vịt ăn phải dọn máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối và mốc, cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để vịt phát triển đồng đều. Đối với vịt nuôi thương phẩm cho vịt ăn tự nhiên.
    Lịch vaccine
    Từ 7 - 10 ngày tuổi tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan.
    Từ 12 - 14 ngày tuổi tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả.
    Từ 32 - 35 ngày tuổi tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả.
    Từ 42 - 45 ngày tuổi  tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan.
    Chú ý: Vaccine cúm H5N1 tham khảo ý kiến thú y địa phương.
    * Có thể tiêm vaccine vào ổ dịch để dập dịch.
    * Cần chủ động kiểm soát sức khoẻ vịt khi tiêm vaccine. Làm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
    * Cần nắm vững và làm đúng hướng dẫn của nhà nhà sản xuất thuốc, vaccine.


Lê Thanh Tùng - TTKN

 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1138

Tổng lượt truy cập: 3.865.115