Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt thâm canh

      Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi bò nhờ quỹ đất rộng, nguồn thức ăn dồi dào và nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi chủ yếu truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao,  chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi thâm canh không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng thịt mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Để chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả cao, người nuôi cần nắm vững kiến thức về còn giống, chuồng trại, dinh dưỡng, chế độ chăm sóc trong từng giai đoạn.

1. Chọn giống
      Chọn giống bò lai F2 (≥ 75% máu ngoại), có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng, khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh nội ngoại ký sinh trùng. Khuyến khích chọn giống bò lai F1 (BBB x lai Zebu).
      Chọn những con có thể chất khỏe mạnh và có những đặc điểm cơ bản của giống. Có ngoại hình tốt như thân hình cân đối, đầu cổ linh hoạt; Mặt ngắn, trán rộng, bộ răng tốt; Mông nở; Đuôi dài, gốc đuôi to; Yếm rộng, chân thẳng, bước đi vững chãi, chắc chắn, móng khít; Lông óng mượt, da mềm.
      Không nên chọn giống bò nội còn gọi là bò địa phương. Nên chọn giống bò chuyên thịt cho tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao và chất lượng thịt ngon.
2. Chuồng trại
      Chuồng trại cần phải thuận tiện cho quá trình vệ sinh cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng bò.
      Chuồng được xây dựng ở khu đất cao ráo, thoáng mát, cuối hướng gió, dễ thoát nước, tốt nhất là xa nhà ở, xa khu dân cư. Khi điều kiện chật chội thì cần bố trí hợp lý để có thể làm vệ sinh tốt.
      Chuồng nuôi thâm canh cần đảm bảo diện tích bình quân 5 - 8 m2/con, có thể ngăn thành các ô rộng để nuôi nhốt 5 - 7 con cùng 1 chuồng hoặc dùng ống kẽm hàng cũi để nuôi nhốt riêng thành từng con; diện tích sân chơi, vận động 20 m2/con, nền chuồng được láng bằng xi măng, và có độ dốc để dễ dàng vệ sinh chuồng trại và tắm rửa cho bò.
      Cần có máng ăn, máng uống tại chuồng và chủ động cung cấp nước uống đầy đủ cho bò, chiều cao của máng từ 15 – 25 cm, chiều rộng 35 – 40 cm.
      Có hố chứa và ủ phân bố trí ở cuối chuồng hoặc xây công trình khí sinh học để xử lý phân thải. Cần có rãnh thoát nước phía sau chuồng để tập trung nước thải vào hầm biogas hoặc hố gas, độ dốc đảm bảo khoảng 2 – 3% về phía rãnh thoát.
      Xung quanh chuồng nên trồng cây bóng mát.
3. Thức ăn  
Thức ăn cho bò bao gồm có các loại sau:
- Thức ăn thô xanh: Cỏ tự nhiên và cỏ trồng như cỏ Voi, Ghinê, VA06, ngô,... ngoài ra nên tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, mía, lạc để nuôi bò. Trong mùa mưa khan hiếm cỏ xanh thì ủ chua thức ăn xanh như cỏ voi hoặc thân cây ngô để dự trữ.
- Thức ăn thô khô: Phổ biến là rơm rạ. Để tăng tỷ lệ tiêu hóa và tăng dinh dưỡng, rơm cần được xử lý trước khi cho bò ăn bằng cách ủ rơm với urê. Ngoài ra còn sử dụng cỏ phơi khô để dự trữ cho mùa đông.
- Thức ăn tinh: Thức ăn tinh được sử dụng trong giai đoạn bò mang thai và nuôi con, đặc biệt là trong giai đoạn vỗ béo. Thức ăn tinh bao gồm các loại như: Cám gạo, ngô, bột sắn... trộn thêm khô đỗ tương, bột cá để được hổn hợp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng.
- Thức ăn bổ sung: Đây là loại thức ăn để bổ sung các loại muối, khoáng và vitamin cho bò ví dụ như rỉ mật, muối hạt,... Nên hòa trộn thức ăn bổ sung cho bò vào bữa ăn hàng ngày hoặc pha nước muối cho bò uống, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. 
4. Chăm sóc nuôi dưỡng
* Giai đoạn từ 6 - 18 tháng tuổi
- Giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi: Bê nuôi đến tháng thứ 6 là cai sữa và chuyển sang giai đoạn nuôi thịt. Cho ăn thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 20-30kg thức ăn thô xanh và 2-3kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 0,5-1% trọng lượng cơ thể (khoảng 1-1,5kg)
- Giai đoạn từ 13 - 21 tháng tuổi: Cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh để bò ăn thoải mái nhất. Ngoài ra cho ăn thêm thức ăn ủ chua, cỏ khô, rơm ủ với u rê và các loại phụ phẩm nông nghiệp như các loại hạt có dầu, khô dầu, rỉ mật, cỏ tươi. Cho ăn thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 30-35kg thức ăn thô xanh và 2-2,5 kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 1-1,5% trọng lượng cơ thể (khoảng 2,5-3kg).
* Giai đoạn vỗ béo (bò từ 18 tháng tuổi trở lên)
- Bò cần được nuôi nhốt để giảm vận động, mùa nắng hàng ngày nên thường xuyên tắm chải cho bò để kích thích bò ăn uống khoẻ. Cung cấp đầy đủ nước sạch tại chuồng cho bò.
- Thức ăn cho bò giai đoạn vỗ béo gồm cỏ xanh và thức ăn tinh hỗn hợp có hàm lượng protein 14 -16%. Mức thức ăn tinh tăng dần từ 1,5% đến 2,0% so với trọng lượng hơi của bò.
- Cho ăn thức ăn tinh trước (3 - 4 lần/ngày), thức ăn xanh sau. Khi bò không ăn hết thức ăn tinh thì cần giảm lượng cỏ xanh cung cấp cho bò.
- Có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp hoặc tự phối trộn từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo công thức sau:
TT    Thành phần    Tỷ lệ nguyên liệu (%)
                                CT1    CT2    CT3    CT4
 1       Cám gạo         20       26        -        20
 2       Bột ngô           48         -        25        -
 3       Bột sắn           20        60      65       70
 4       Bột cá             10        10       5         5
 5       Muối ăn           0,5       1        1         1
 6       Urê                   1          2        3         3
 7       Khoáng           0,5        1        1         1
             Cộng           100      100    100     100
- Thời gan nuôi bò vỗ béo khoảng 4-5 tháng, tùy theo thể trạng bò. Khi theo dõi thấy tăng trọng của bò chửng lại và thể trạng bò đã béo thì xuất bán ngay, không nên kéo dài sẽ kém hiệu quả.
      Chú ý khi sử dụng thức ăn có chứa Urê: Hỗn hợp phải trộn thật đều, chia nhỏ lượng thức ăn để cho bò ăn nhiều lần/ngày, không được hòa vào nước cho uống và sau khi phối trộn phải được bảo quản tốt.
7. Vệ sinh phòng bệnh
      Thường xuyên theo dõi sức khỏe của bò để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhằm đưa ra những biện pháp trị bệnh kịp thời.
      Thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, thức ăn không bị thiu mốc, cần kiểm tra trong thức ăn thô xem có vật lạ trước khi cho ăn.
      Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Máng ăn, máng uống phải được dọn sạch trước khi cho ăn, cho uống hàng ngày. Chất thải rắn như phân, rác, thức ăn thừa... phải được dọn ngày 2 - 3 lần ngay trước lúc cho ăn và phải chuyển ra đúng nơi quy định để xử lý.
      Định kỳ 2 lần/tháng phun sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi bằng Benkocid, Cloramin 3 - 5%. Tiêu diệt côn trùng (chuột, ruồi, muỗi, ve…) là những vật trung gian truyền bệnh. Sau mỗi đợt nuôi dùng nước vôi 20% quét toàn bộ khu vực chuồng nuôi.
      Tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vaccine. Định kỳ tẩy giun đũa cho bê vào tháng thứ nhất, tháng thứ 3 và tháng thứ 9 (bằng Piperazin với liều 2 - 3 g/10kg trọng lượng).
      Ngoài ra, nếu bò hoặc bê bị bệnh cần phải cách ly triệt để, điều trị dứt điểm khi khỏi hẳn mới cho nhập đàn nuôi.


Lê Tùng, Quang Hưng - TTKN

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1068

Tổng lượt truy cập: 3.865.045