Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỹ thuật nuôi cá Chạnh bùn

Ở Việt Nam, cá chạch bùn hay còn gọi là cá chạch sụn phân bố tự nhiên ở miền Bắc, miền Trung. Trong tự nhiên, cá chạch bùn sống đáy, ở khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương, ưa nước sạch; không thích hợp với môi trường bùn đáy ô nhiễm nhiều mùn bã hữu cơ. Cá chạch bùn có nhiều ưu điểm như: tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (5 tháng/lứa), sức đề kháng cao, ít xuất hiện bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng. Hiện nay 1 số tỉnh lân cận như Huế, Quảng Bình, Nghệ An phát triển nuôi cá chạch bùn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để nuôi cá chạch đạt hiệu quả cao người nuôi thủy sản cần lưu ý:
 

1. Lựa chọn địa điểm ao nuôi:
      Chọn ao nuôi có giao thông thuận tiện, đảm bảo an ninh. Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, có cống cấp và cống thoát nước. Ao nuôi cá chạch bùn có diện tích 1.000 - 2.500 m2, độ sâu ao 1,2 - 1,5 m, độ dày bùn đáy ao 10 - 15cm. Đáy ao bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát nước. Nguồn nước chủ động, cấp và thoát nước dễ dàng, không thiếu vào mùa khô và không bị ngập vào mùa mưa lũ. Nguồn nước sạch không bị ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt.
2. Chuẩn bị ao nuôi:
- Bơm cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ và làm sạch cây cỏ thủy sinh trong và xung quanh ao. Vét bùn đáy ao, chỉ chừa lại một lớp bùn mỏng khoảng 10 - 20 cm. Gia cố cống cấp, thoát nước và lưới chắn. Tu sửa lại những chỗ bờ ao bị sạt lở, rò rỉ, lấp hết hang hốc cua, rắn, chuột. Dùng vôi bột rải đều đáy và bờ ao với liều lượng từ 7 - 10kg/100 m2 ao. Sau đó phơi ao 3 - 5 ngày. 
- Bón lót: Là biện pháp cần thiết trong khâu chuẩn bị ao nhất là với những ao nghèo chất dinh dưỡng. Mục đích của việc bón lót là cung cấp cho ao một lượng phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng tức thời cho các sinh vật làm thức ăn cho cá ngay khi thả xuống ao. Tùy điều kiện từng địa phương, gia đình có thể sử dụng một số loại phân như: Phân lợn, gà đã ủ để bón lót tránh dùng phân có nhiều rác khó phân hủy. Lượng phân bón 40-50 kg/100m2.
- Gây màu nước: Sau khi vét bùn đáy, bón vôi khử trùng, bón lót xong ta tiến hành lấy nước vào ao đạt độ sâu 70 cm rồi tiến hành gây màu nước. Lưu ý khi lấy nước phải dùng lưới lọc để ngăn các loài địch hại. Gây màu nước thực chất là tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển, tảo quang hợp mạnh sẽ cung cấp nhiều oxy cho ao nuôi. Sau 5 - 7 ngày, nước trong ao có màu xanh lá chuối non tiến hành lấy nước lần 2 sao cho mức nước trong ao đạt 1,2 - 1,5m thì tiến hành thả cá giống.
3. Chọn và thả giống:
      Cá giống phải có kích cỡ đồng đều (5 - 6 cm/con), không mất nhớt, không bị trầy xước, bơi lội linh hoạt, màu sắc sáng bóng, không có dấu hiệu bệnh tật. Thả giống với mật độ thả phù hợp từ 30 - 50 con/m2. Thả cá vào lúc sáng sớm hay chiều mát và khi thả nên ngâm túi cá giống xuống ao khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ sau đó thả cá từ từ ra ao. Trước khi thả giống, cần so sánh các yếu tố môi trường (pH, nhiệt độ...) để điều chỉnh, tránh gây sốc cho cá.

4. Chăm sóc và quản lý:
a. Thức ăn và cách cho ăn: 
      Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, hàm lượng đạm từ 30 - 35%. Tùy vào kích cỡ của cá chọn lựa kích cỡ thức ăn viên cho phù hợp. Lượng thức ăn 5 - 8% trọng lượng thân cá/ngày; cho cá ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Tuy nhiên, cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên lượng thức ăn cho ăn vào chiều tối chiếm 70 - 80% lượng thức ăn trong ngày. Trộn thêm Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn với liều lượng 3 - 5g/kg thức ăn. Định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần cho ăn liên tục từ 3 - 5 ngày.
      Quan sát khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe của cá và thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Thường xuyên theo dõi tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
b. Quản lý ao nuôi:
     Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Cho cá ăn đầy đủ để cá lớn nhanh và tăng sức đề kháng, cá ít bị bệnh. Định kỳ thay nước trong ao để tránh bị ô nhiễm. Khoảng 5 - 7 ngày thay nước một lần, lượng nước thay từ 30 - 50% lượng nước trong ao. Tùy vào độ lớn của cá mà thời gian thay nước rút ngắn. Định kỳ tháng/lần kiểm tra bệnh tật và tốc độ phát triển của cá. 
      Định kỳ 2 lần/tháng bón vôi xuống ao với lượng 2kg/100 m2 ao để phòng bệnh cho cá. Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi để nắm bắt tình hình sức khỏe của cá và có chế độ chăm sóc hợp lý. Trong ao nên thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn và tránh nóng, tránh rét cho cá và làm rào chắn xung quanh ao nuôi để ngăn ngừa địch hại xâm nhập, tránh thất thoát.
5. Thu hoạch:
Sau 5 tháng nuôi cá đạt cỡ 30 - 40g/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu một phần trong ao hoặc thu tất cả tùy theo nhu cầu thị trường. Thu toàn bộ cá trong ao bằng cách tháo cạn nước.
6. Phòng bệnh và trị bệnh:
- Phòng bệnh: Cá chạch ít bị bệnh hơn lươn, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì chạch cũng dễ bị bệnh. Cá chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3 - 5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lương, đúng số lương, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.
- Trị bệnh: Khi phát hiện cá chạch bị nấm có thể tắm cho cá bằng các loại hóa chất sau: Nước muối 3%; hoặc KMn04 liều lượng 20g/m3 nước, thời gian 10 - 15 phút. Trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá chạch ăn.


Nguyễn Thị Trà Lý - Trạm Khuyến nông LH Vĩnh Linh - Cồn Cỏ

 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1143

Tổng lượt truy cập: 3.865.120