Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Trị năm 2025; Công văn số 719/UBND-KT ngày 28/02/2025 về việc chấn chỉnh công tác báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và rà soát tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi; từ ngày 19/3/2025 đến 21/3/2025  Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2025 tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Cam Lộ do đồng chí Nguyễn Phú Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường làm Trưởng đoàn và các thành viên gồm: Đại diện phòng Kế hoạch-Tài chính, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường; đại diện Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và phòng Thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến trao đổi tại các phiên làm việc với các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và kiểm tra thực tế tại một số xã và một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đến kiểm tra, đồng chí Nguyễn Phú Quốc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá cao sự chuẩn bị của các huyện trong xây dựng báo cáo theo yêu cầu, bố trí cán bộ, địa điểm làm việc và đại diện chính quyền một số xã, hộ chăn nuôi cùng làm việc với Đoàn tại các xã đến kiểm tra. Báo cáo của các địa phương đã nêu bật được kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kế hoạch tiêm phòng vắc xin; những thuận lợi, khó khăn, tồn tại hạn chế và kiến nghị, đề xuất để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2025.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2025, đồng chí Nguyễn Phú Quốc Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Cam Lộ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp cụ thể như sau:

(1) Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm trong phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi để người dân tích cực tham gia thực hiện, đảm bảo tỷ lệ tiêm phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn; chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi có dịch bệnh xảy ra. Trong đó, quan tâm bố trí thời lượng thích hợp để tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục trâu bò để người chăn nuôi hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động liên hệ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, liên huyện để mua vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi thực hiện tiêm phòng và giám sát nhằm đảm bảo tính hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

(2) Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; phân công cán bộ chuyên trách phối hợp với lực lượng chuyên môn thú y xã vừa triển khai vừa giám sát tiến độ tiêm phòng. Chính quyền cơ sở cam kết thực hiện chỉ tiêu tiêm phòng và có đánh giá trách nhiệm cụ thể nếu không đạt chỉ tiêu.

(3) Xây dựng kế hoạch, bố trí đủ kinh phí mua các loại vắc xin từ nguồn ngân sách huyện để chủ động tổ chức tiêm phòng vắc xin năm 2025 đạt tối thiểu 80% tổng đàn và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại địa phương theo kế hoạch.

Chỉ đạo các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện sớm hoàn thành việc mua sắm và cung ứng các loại vắc xin (nguồn ngân sách huyện) phục vụ công tác tiêm phòng năm 2025 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 123/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị.

Huy động lực lượng thú y trên địa bàn tham gia công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch trên địa bàn. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra trong quá trình tiêm phòng và phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn.

(4) Ủy ban nhân dân huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các xã, thị trấn trong quá trình triển khai thực hiện.

(5) Thực hiện tốt các chế tài xử lý đối với các trường hợp không chấp hành quy định về tiêm phòng vắc xin và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý Giấy chứng nhận tiêm phòng làm cơ sở xác minh để hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Yêu cầu nhân viên thú y phải ghi đầy đủ thông tin trên Giấy chứng nhận tiêm phòng và cấp ngay cho chủ vật nuôi sau tiêm phòng; đề nghị chủ vật nuôi lưu giữ Giấy chứng nhận tiêm phòng cho đến khi xuất bán hoặc tối thiểu 06 tháng kể từ thời điểm tiêm phòng.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt 6 nhiệm vụ như sau:

(1) Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn công tác phòng chống, dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

(2) Mua sắm đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất từ nguồn kinh phí của tỉnh để kịp thời cung ứng cho các địa phương triển khai tiêm phòng và phòng, chống, dịch bệnh đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

(3) Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan truyền thông cấp tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa tin phản ánh tình hình dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn và các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để người chăn nuôi biết và thực hiện; tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi mạnh dạn, chủ động sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để bảo vệ đàn lợn trong tình hình hiện nay.

(4) Hàng năm, xây dựng dự toán chương trình tập huấn chuyên môn về kỹ thuật tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho lực lượng thú y cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(5) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng và cấp phát Giấy chứng nhận tiêm phòng tại các địa phương. Giấy chứng nhận tiêm phòng phải được đóng dấu của Trạm Chăn nuôi và Thú y chủ quản, nội dung ghi trên Giấy chứng nhận phải đầy đủ thông tin và cấp ngay cho chủ vật nuôi sau tiêm phòng. Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh khi đăng ký kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi tỉnh và giết mổ trên địa bàn.

(6) Chỉ đạo, đôn đốc các Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc cam kết thực hiện linh hoạt việc thu hồi công nợ các loại vắc xin dịch vụ nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả tiêm phòng. Chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường nếu để dịch bệnh xảy ra vì lý do công nợ làm chậm tiến độ tổ chức tiêm phòng.

Đào Văn An - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1032

Tổng lượt truy cập: 3.865.009