Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

  Huyện Cam Lộ có 08 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 07 xã với vị trí địa lý phía bắc giáp huyện Gio Linh, phía nam giáp huyện Triệu Phong, phía đông giáp với thành phố Đông Hà và phía tây giáp huyện Đakrông. Có các tuyến đường chính như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường mòn Hồ Chí Minh, đường xuyên Á và đường cao tốc đi qua địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, kinh doanh buôn bán. Theo số liệu thống kê tổng đàn vật nuôi của huyện hiện có 5.965 con trâu, bò, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm trên 84% tổng đàn; đàn lợn có 46.180 con; đàn gia cầm 459.000 con; đàn dê 1.060 con và đàn chó nuôi 5.311 con.

Xác định công tác tiêm phòng vắc xin là biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm ngày càng diễn biến phức tạp, đên cạnh đó việc chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, chiếm đa số trong cộng đồng dân cư, cùng với ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số bộ phận người chăn nuôi đang còn nhiều yếu kém, trông chờ ỉ lại sự hỗ trợ của nhà nước, khi có dịch bệnh xảy ra thì đăng ký xin tiêm phòng ngược lại khi không có dịch thì chủ quan lơ là, cố tình trốn tránh không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi; đồng thời công tác tiêm phòng tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn nặng về chỉ đạo bằng văn bản mà thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa xử lý các trường hợp không chấp hành tiêm phòng theo quy định, một số địa phương còn khoán trắng cho thú y, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành đoàn thể địa phương nên việc thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi trên địa bàn huyện Cam Lộ trong thời gian dài gặp không ít khó khăn, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa.  

Những năm gần đây, huyện có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường thì công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của huyện luôn được các cấp uỷ Đảng và chính quyền quan tâm và chỉ đạo sát sao từ huyện đến cơ sở nhằm tạo môi trường an toàn dịch bệnh, là yếu tố để thu hút đầu tư vào lĩnh vục chăn nuôi trên địa bàn huyện. Theo quy định việc thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên mới đảm bảo được an toàn dịch bệnh, đối với quy định này thì tại các trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô từ nhỏ đến lớn đều được thực hiện nghiêm túc, 100% tổng đàn được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ gặp nhiều khó khăn; để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt yêu cầu bảo hộ cho đàn gia súc, gia cầm Trạm Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai nhiều giải để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng tại địa phương như sau:

- Đầu thời điểm tiêm phòng hàng năm (Quý I và Quý III), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện chủ động phối hợp với  Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai rà soát tổng đàn gia súc, gia cầm tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để làm cơ sở tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch tiêm phòng cụ thể, chi tiết, sát đúng với thực tiễn để các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

- Trên cơ sở Kế hoạch của UBND huyện, vào đầu mỗi đợt tiêm phòng chính vụ Lãnh đạo trạm trực tiếp về làm việc với UBND các xã, thị trấn để hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và kế hoạch tiêm phòng của địa phương, khung lịch chi tiết cho từng thôn, khu phố (tùy theo đặc thù của các đơn vị).

- Lãnh đạo trạm hoặc Cán bộ trạm phụ trách địa bàn tham gia họp triển khai tiêm phòng với UBND các xã, thị trấn theo lịch của địa phương. Riêng đối với các xã có tỷ lệ tiêm thấp thì Lãnh đạo trạm trực tiếp tham gia họp triển khai với UBND xã để phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động; đồng thời, trực tiếp gặp các già làng, trưởng bản để nhờ họ vận động đồng bào tích cực tham gia tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình.

- Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia tiêm phòng với cơ sở; phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 - Lập ZALO nhóm Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện để khi cơ sở gặp khó khăn trở ngại thì cán bộ Trạm gửi thông tin lên nhóm cho Ban chỉ đạo biết để hỗ trợ nhằm tăng cường công tác chỉ đạo của các thành viên trong Ban chỉ đạo huyện đối với cơ sở, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc thúc đẩy địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phàn được phân công phụ trách.

- Lãnh đạo Trạm thường xuyên bám cơ sở nắm bắt thông tin và báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo huyện đối với các hoạt động của Trạm cũng như ở các xã, thị trấn trên địa bàn.

- Gia súc phát bệnh sau tiêm phòng Trạm trực tiếp kiểm tra và cử cán bộ kỹ thuật hoặc nhân viên thú y xã xử lý, điều trị miễn phí cho người chăn nuôi.

- Khi triển khai tiêm phòng phải tránh vụ gieo trồng và thu hoạch mùa (khi thu hoạch, gieo cấy thì nông dân ra đồng không ai để ý đến việc tiêm phòng)

- Chỉ đạo nhân viên thú y các xã, thị trấn phối hợp các thôn, khu phố phát giấy thông báo tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi.                  

- Riêng tiêm phòng Dại chó ngoài những giải pháp trên thì Trạm phải tổ chức đi tuyên truyền lưu động đến từng thôn, khu phố.

Với các giải pháp trên tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi hàng năm trên địa bàn huyện Cam Lộ luôn được cải thiện, đảm bảo yêu cầu bảo hộ nên các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi ít xảy ra.

Lê Văn Liêm

Trạm Chăn nuôi và Thú y liên huyện Cam Lộ - Đông Hà

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 312

Tổng lượt truy cập: 3.865.456