Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Vụ Xuân Hè tại khu vực miền Trung là thời điểm giao mùa, nhiệt độ và độ ẩm không khí diễn biến hết sức phức tạp (mưa rét, nồm ẩm, nắng nóng đan xen); là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho vật nuôi phát triển. Để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn dịch bệnh trong vụ Xuân Hè và duy trì năng suất chăn nuôi, bà con cần thực hiện tốt những công việc sau:

1. Theo dõi thông tin thời tiết

- Hàng ngày, chú ý theo dõi các thông tin về thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động che chắn hoặc làm mát, làm thông thoáng chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi và các biện pháp chăm sóc vật nuôi khi cần thiết.

- Cần chủ động nghe dự báo thông tin về thời tiết vào sáng sớm, trưa và tối để thực hiện các biện pháp trong ngày và chuẩn bị cho ngày hôm sau.

2. Chuẩn bị về chuồng trại

- Chuồng nuôi phải thông thoáng về mùa Hè, khô ráo và ấm áp khi mưa rét, dễ thoát nước. Đối với chuồng nuôi hở phải làm rèm che chắn gió tránh hiện tượng gió lùa, mưa hắt, ẩm ướt; có hệ thống đèn hoặc lò sưởi để giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp hoặc có hệ thống làm mát trong những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ cao như: quạt gió, phun sương,…

- Tường và nền chuồng phải bằng phẳng, dễ vệ sinh, sát trùng tiêu độc.

- Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, cũng như có cổng ra vào, có hố sát trùng trước cổng và chuồng nuôi luôn có chất sát trùng trong hố.

- Khu vực chăn nuôi phải tách riêng với các khu vực khác như: Kho thức ăn, kho đựng dụng cụ, vật tư chăn nuôi, khu vực sinh hoạt của gia đình,…

  • Mật độ nuôi phải phù hợp: Tránh mật độ nuôi quá đông để đảm bảo không gian thoáng mát, đủ rộng cho vật nuôi vận động, phát triển khỏe mạnh.

3. Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc nuôi dưỡng

a) Thức ăn:

- Chuẩn bị đầy đủ thức ăn đảm bảo các thành phần dinh dưỡng cho vật nuôi. Thức ăn phải hợp vệ sinh, dễ tiêu hóa, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn ôi thiu, ẩm mốc.

- Những vật nuôi còn nhỏ nên sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

- Đối với trâu bò ngoài việc cung cấp thức ăn thô xanh, bổ sung cân đối thức ăn phù hợp. Sử dụng phương pháp ủ chua thân cây ngô, cây cỏ voi, rơm rạ để làm thức ăn dự trữ.

b) Nước uống: Chuẩn bị đầy đủ nước uống sạch cho vật nuôi.

c) Chăm sóc nuôi dưỡng:

- Trong những ngày nồm ẩm, đặc biệt là những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp cần cung cấp đầy đủ thức ăn và nước ấm cho vật nuôi, bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin vào thức ăn hoặc nước uống để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Nếu nhiệt độ xuống thấp phải sưởi ấm cho vật nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi,... nhưng phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi, tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy. Đối với trâu, bò, dê nên thực hiện chăn thả muộn và cho về sớm, trước khi chăn thả cho trâu, bò ăn 5 - 6kg rơm, cỏ khô để phòng tránh bệnh chướng hơi dạ cỏ.

- Trong những ngày hè, nắng nóng nhiệt độ cao phải thực hiện làm mát chuồng nuôi bằng quạt gió hoặc phun sương. Cung cấp đầy đủ thức ăn dễ tiêu và nước mát cho vật nuôi ăn uống, ngoài ra cần bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin vào thức ăn hoặc nước uống để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với trâu, bò, dê nên chăn thả buổi sáng từ 6 - 9 giờ; buổi chiều từ 16 - 18 giờ.

4. Công tác thú y

a) Theo dõi sức khỏe vật nuôi:

Thường xuyên quan sát vật nuôi về dáng đi, dáng đứng, tiếng kêu, mắt, mũi, miệng, trạng thái phân, tình trạng ăn uống,… để cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường như: bỏ ăn, sốt cao, ho, tiêu chảy, đi lại khó khăn, ... đồng thời, phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã hoặc cán bộ thú y cấp huyện để được hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hoặc xử lý tiêu hủy theo quy định.

- Đối với đàn vật nuôi mới nhập về cần phải nuôi cách ly trước khi nhập đàn ít nhất 14 ngày để theo dõi sức khỏe, nếu vật nuôi khỏe mạnh mới cho nhập đàn.

b) Tiêm phòng vắc xin:

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y như: Lở mồm long móng, Tai xanh (PRRS), Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Dịch tả lợn cổ điển, Dịch tả lợn Châu Phi, Niu-cát-xơn,...

c) Vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại:

- Hàng ngày phải vệ sinh quét dọn chuồng trại sạch sẽ hoặc thay chất độn chuồng không để nền chuồng ẩm ướt.

- Thực hiện khử trùng, tiêu độc định kỳ từ 1-2 lần/tuần bằng vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng như: Benkocid, Iodine, BKA, Xút (NaOH),… (nồng độ thuốc sát trùng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Đồng thời, định kỳ thực hiện phun thuốc diệt côn trùng, tổ chức diệt chuột trong và ngoài chuồng trại.

d) Chuẩn bị phương án xử lý đàn vật nuôi khi có dịch bệnh xảy ra:

- Cách ly ngay vật nuôi ốm, chết ra khỏi đàn, không được mua bán, vận chuyển, giết mổ hoặc phát tán vật nuôi bị bệnh. Vật nuôi chết phải được chôn (chôn sâu, rắc vôi bột) hoặc đốt xác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 - Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực mổ khám hoặc khu vực chuồng trại có vật nuôi chết bằng nước vôi 10% hoặc các loại thuốc sát trùng như: Benkocid, Iodine, BKA, Xút (NaOH),… (nồng độ thuốc sát trùng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất) từ 1-2 lần/ngày tiên tục trong tuần đầu tiên.

- Thức ăn thừa và nước uống của vật nuôi bị bệnh hoặc chết phải thu gom, xử lý, không được sử dụng lại cho vật nuôi khác.

Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, người chăn nuôi phải chú ý quần áo bảo hộ, đội mũ, đeo găng tay, đeo khẩu trang, kính bảo hộ. Sau khi kết thúc công việc phải sát trùng tay chân, quần áo và các vật dụng bảo hộ theo quy định.

Đào Văn An - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 300

Tổng lượt truy cập: 3.865.444