Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Bệnh Dại và công tác phòng chống bệnh dại

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành "thú dữ", gây hại đến sức khỏe của con người, là mối nguy hiểm tiềm tàng ngay bên cạnh chúng ta nếu còn chủ quan và thiếu ý thức trong việc nuôi và tiếp cận với vật nuôi.

Bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện.

Thông thường, người mắc bệnh dại không có triệu chứng ngay. Virus dại có thể nằm im trong cơ thể người bệnh từ 1 đến 3 tháng trong thời kỳ ủ bệnh. Các triệu chứng sẽ xuất hiện khi virus di chuyển qua hệ thống thần kinh trung ương và tấn công não của người bệnh.

Thời tiết nắng nóng mùa hè là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát. Cùng với đó, thói quen thả rông chó, mèo, không tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, chủ quan không đến cơ sở y tế xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn… chính là những điều kiện thuận lợi để bệnh dại phát triển.  Do vậy người dân cần chú ý các biện pháp phòng dại cho vật nuôi và đảm bảo an toàn cho người.

Tính đến ngày 05/3/2025, cả nước ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Gia Lai là 01 bệnh nhân nam, 73 tuổi tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, (làm nghề buôn bán, giết mổ chó): Tiền sử bị chó cắn nhiều lần, lần gần nhất cách hơn 01 tháng, không điều trị dự phòng bệnh dại. Bệnh khởi phát ngày 23/01/2025, tử vong ngày 27/01/2025. Tại Quảng Trị, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống bệnh Dại trên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình bệnh Dại tại Quảng Trị cũng có diễn biến phức tạp. Cụ thể: Trong năm 2024, phát hiện 01 ca bệnh dại chó qua lấy mẫu giám sát bị động đối với trường hợp 01 con chó chết của 1 hộ dân tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (05/4/2024). Sau khi phát hiện, đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; không phát sinh thêm ca bệnh Dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, liên huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật theo chỉ đạo tại Công văn số 1391/UBND-KT ngày 22/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo theo Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025 số 66/KH-SNN-CNTY ngày 08/01/2025 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần thực hiện như sau:

+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

+ Đến ngay Cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

+ Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân giang, gia truyền.

+ Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

+ Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

* Quy định pháp luật áp dụng về phòng bệnh Dại động vật tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ về  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Cụ thể như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Như vậy, đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.

Vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mỗi cá nhân, của người thân trong gia đình và của cộng đồng, đồng thời, bảo vệ đàn chó, mèo vật nuôi. Bệnh Dại rất nguy hiểm, quan trọng là Ý THỨC CỦA NGƯỜI DÂN. Khi bị chó, mèo cắn mọi người hãy đừng chủ quan, đừng im lặng bỏ qua cơ hội vàng phòng, chống bệnh Dại, hãy chủ động thực hiện sơ cứu và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh Dại. Một điều nữa là vắc xin phòng chống bệnh Dại cũng giống như các loại vắc xin khác không độc hại, hãy tiêm vắc-xin sớm nhất có thể để tự cứu mình và cứu người.

Các hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hãy tích cực hưởng ứng việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho vật nuôi năm 2025 và các năm tiếp theo để đảm bảo cho mỗi chúng ta và cộng đồng sống trong một môi trường an toàn với mục tiêu SỨC KHOẺ LÀ TRÊN HẾT.

Hồ Minh Cảnh

Phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 290

Tổng lượt truy cập: 3.865.434