Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 

Vụ Đông Xuân 2024-2025 toàn tỉnh gieo cấy 26.218 ha lúa, đạt 102,81% kế hoạch (KH: 25.500 ha), lúa đại trà đang ở giai đoạn làm đòng, trà sớm đang giai đoạn ôm đòng - trổ bông (dự kiến lúa trổ tập trung từ 05-15/4/2025). Thời gian qua thời tiết tương đối thuận lợi kết hợp bà con bón phân thúc đòng giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: Chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn...

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới là thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa giông, lốc tố,... nguy cơ làm đổ ngã lúa vào giai đoạn trổ bông đến chín, nhất là trên các chân ruộng mật độ gieo dày, bón thừa đạm, thường xuyên giữ nước trong ruộng. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, tình hình sinh trưởng và phát triển cây lúa và nguồn dịch hại trên đồng ruộng,... Dự báo thời gian tới là thời điểm thuận lợi để nhiều đối tượng sâu bệnh hại lúa tiếp tục phát sinh, gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt và nguy cơ lúa đổ ngã khi có mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh,... làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cuối vụ nếu các địa phương không chủ động sớm các giải pháp chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch hại kịp thời.

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 thắng lợi, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng của Ngành trong năm 2025 cần tập trung thực hiện một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và ứng phó với thiên tai cụ thể sau:

* Phòng trừ các loại sâu bệnh hại:

+ Bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông: Tăng cường kiểm tra, phun phòng bệnh kịp thời, đúng thời điểm; đối với bệnh đạo ôn cổ bông chỉ phun phòng mới có hiệu quả cao. Phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ từ 5-7 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất Fenoxanil + Isoprothiolane, Propiconazole + Tricyclazole, Fenoxanil + Tricyclazole, Tricyclazole,... như: Map Famy 35SC, Filia 525SE, Beam 75WP,  Ninja 35EC,... Chú ý trên những chân ruộng có áp lực bệnh cao như: những vùng bị nhiễm đạo ôn lá, vùng ổ dịch, ruộng bón thừa đạm, những vùng gieo trồng giống nhiễm (BĐR 57, BĐR 999, An Sinh 1399, Bắc thơm 7, HC95,...); Để phun thuốc có hiệu quả cần pha đúng nồng độ theo khuyến cáo của từng loại thuốc và phun ướt đẫm lá (lượng nước thuốc 20 lít/sào trở lên).

+ Bệnh khô vằn: Kiểm tra và phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin A, Hexaconazole... như Valydan, Vivadamy, Anvil... Có thể sử dụng các loại thuốc phổ rộng có hoạt chất Hexaconazole + Tricyclazole, Azoxystrobin + Difenoconazole,  Difenoconazole + Propiconazole,… như: Newtec, Amistar Top, Tilt supe... để phòng trừ nhóm bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn.

+ Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau những trận mưa, gió to cần kiểm tra bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Bronopol, Ningnanmycin, oxolinic acid + streptomycin… như: Totan 200WP, Bonny 4SL, Map Lotus 125WP, Xantocin 40WP,... ngay khi bệnh mới xuất hiện. Chú ý: Trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm, giống nhiễm,...

+ Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ: Thường xuyên kiểm tra mật độ rầy và sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời và hiệu quả.

Đối với rầy cần tiến hành phun thuốc ngay khi có mật độ 500 con/m2 bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Etofenprox,... như: Chess, Starcheck,...; để phun thuốc có hiệu quả cần đi chậm, rẽ lúa thành từng băng và phun vào gốc lúa nơi rầy tập trung, đồng thời phải đảm bảo lượng nước thuốc 30 lít/sào trở lên; đối với những ruộng có mật độ rầy cao có thể hỗn hợp thuốc Chess + Trebon để phun.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun thuốc trừ sâu ở những nơi có mật độ khoảng 10-20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1-2.

Cần chú ý khi phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh phải tránh lúc lúa đang phơi màu và chú ý thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo an toàn dư lượng trên nông sản.

+ Tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, dùng bẫy bã kết hợp sử dụng các loại thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, các thuốc có hoạt chất thế hệ mới như Diphacinone (Gimlet, Linh miêu, Kaletox…). Công tác diệt chuột cần được thực hiện thường xuyên, liên tục mới có hiệu quả. Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột.

+ Ngoài ra, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại khác như bệnh thối thân, lem lép hạt, nhện gié… theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để không làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa cuối vụ.

* Các biện pháp chăm sóc cây lúa giai đoạn đòng, trổ, chín:

+ Trước khi lúa trổ từ 5 - 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu Kali như: Kali Humat, Siêu kali... để phun lên lá giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã (phun vào lúc chiều tối, không mưa, tránh khi lúa đang phơi màu). Đồng thời phun các loại thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, lem lép hạt... để phòng ngừa bệnh gây hại, hạn chế thiệt hại năng suất.

+ Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380C nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi màu, ở những chân ruộng chủ động nguồn tưới tiêu cần giữ nước cao trong  ruộng lúa từ 10 - 15 cm nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông.

+ Trước khi thu hoạch 7-10 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.

+ Kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao để đề phòng xuất hiện các đợt mưa lớn gây ngập úng; nếu có lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng và tranh thủ thu hoạch kịp thời các diện tích lúa đã chín trên 85%; Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn trổ, chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín; Đối với lúa đang ở giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Quản lý dịch hại thời kỳ lúa trổ bông – Biovina

Phòng BVKDTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1162

Tổng lượt truy cập: 3.865.139