Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 

  Gần tròn 1 tháng sau đợt ngập lụt đầu vụ trên lúa Đông Xuân 2024-2025 do đợt mưa từ tối ngày 07/02 đến ngày 09/02/2025, nay cánh đồng lúa đã xanh tươi đầy sức sống, một màu xanh đầy hy vọng.  Nhớ lại những ngày mưa ngập úng, đó là đợt mưa lớn trên diện rộng làm 2.747 ha luá bị ngập úng (gần 40% diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân Hải Lăng). Lúc ấy, cây lúa đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh, bị ngập trong nước ở mức từ 20cm – 30cm, nơi sâu trên 40cm, một số diện tích thấp trũng mới gieo được 10 ngày. Những ngày mưa ngập úng, nhiều cánh đồng lúa trở thành biển nước trắng mênh mông, không thấy cây lúa.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các địa phương đã tích cực tiêu úng, huy động nhân lực, máy bơm… hoạt động hết công suất nên diện tích ngập úng giảm nhanh sau đợt mưa, phần lớn diện tích lúa bị ngập chỉ ngập trong khoảng 3 ngày, còn một số nơi ngập úng từ 5-7 ngày có nguy cơ lúa bị hư hỏng nặng và phải gieo lại do ngập úng lâu và do cá rô phi, ốc bươu vàng ăn lúa.

Trước tình hình đó, cán bộ Trồng trọt bảo vệ thực vật, đội ngũ khuyến nông đã tích cực bám đồng ruộng, tận tình hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc phục hồi lúa sau ngập úng bằng nhiều biện pháp: duy trì mực nước trong ruộng từ 2-3cm để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sớm hồi phục. Sau khi rút nước không bón đạm hay phân hỗn hợp NPK ngay mà kiểm tra, xữ lý bằng các loại phân bón có tác dụng kích thích rễ mới ra, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên lúa, giúp lúa mau đẻ nhánh. Sử dụng phân Siêu ra rễ, Siêu lân, ... Sau khi phun (bón) các loại phân bón qua lá từ 7 - 10 ngày, thấy cây lúa ra thêm được lá non, gốc lúa ra nhiều rễ mới màu trắng thì tiến hành tỉa dặm, bón bổ sung phân hóa học. Tùy tình sinh trưởng của cây lúa mà bổ sung lượng phân phù hợp để giúp cây lúa hồi phục nhanh, đẻ nhánh khỏe. Đồng thời, cán bộ cũng hướng dẫn bà con tỉa dặm cho lúa đồng đều mật độ, không để đất hoang sau lũ lụt, bón phân thúc đẻ kịp thời đối với các diện tích chưa tỉa dặm, bón thúc. Song song việc chăm sóc là  thường xuyên kiểm tra đồng ruộng theo dõi các đối tượng dịch hại như: Chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, bệnh nghẹt rễ…

Đến nay, sau gần 1 tháng, cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái – tượng khối sơ khởi. Trải dài trên những cánh đồng là một màu xanh tươi đầy sức sống thấp thoáng những đàn cò trắng bay lượn, không còn hình ảnh cánh đồng nước trắng mênh mông ngập lụt. Chúng tôi đi trên những cánh đồng mà lòng đầy niềm vui mừng và hy vọng về một vụ mùa bội thu. Theo thói quen nghề nghiệp, không quên lội rẽ lúa kiểm tra từng gốc lúa, bẹ lúa, lá lúa…Tất cả đều được xem xét kỹ và đều thấy cây lúa sạch sâu bệnh mà lòng vui sướng bởi bà con đã thực hiện nghiêm túc việc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ và đưa lại hiệu quả rõ rệt.

Khoảng 2 tháng nữa là đến mùa thu hoạch lúa Đông Xuân, với quyết tâm bảo vệ đồng ruộng và những hành động quyết liệt, sâu sát, kịp thời của các cấp lãnh đạo, của ngành nông nghiệp, tin tưởng rằng vụ mùa Đông Xuân 2024-2025 sẽ là vụ mùa thắng lợi./.

Thái Thị Kim Tuyến – Trạm Trồng trọt và BVTV liên huyện Hải Lăng - Tx Quảng Trị

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1138

Tổng lượt truy cập: 3.865.115