Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Bệnh khảm lá sắn do virus Begomovirus stanleyi gây ra (tên cũ là Sri Lanka cassava mosaic virus), loài bọ phấn thuốc lá (Bemisia tabaci) là loài côn trùng môi giới truyền virus gây bệnh kiểu truyền bán bền vững. Bệnh đã xâm nhập, gây hại trên cây sắn ở nước ta từ năm 2017, đến nay bệnh đã phát sinh gây hại trên diện rộng. Tại Quảng Trị, bệnh bắt đầu phát sinh gây hại từ đầu năm 2020 tại Hải Lăng và Thị xã Quảng Trị, đến nay bệnh đã lây lan gây hại ở các huyện thị trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích nhiễm năm 2024 là 1.180 ha trong đó nhiễm nặng 222 ha.

Triệu chứng bệnh khảm lá sắn biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ nhiễm bệnh, thời gian nhiễm bệnh và mức độ nhiễm/kháng bệnh của giống sắn:

- Trên lá: Bệnh gây ra các vết khảm vàng xanh loang lổ, làm lá xoăn vặn, biến dạng rất khác nhau (từ vài vết khảm vàng, lá không bị biến dạng đến khảm vàng xanh loang lổ cả lá, bản lá xoăn vặn biến dạng hoàn toàn).

Hình 1: Bọ phấn truyền bệnh khảm lá sắn và biểu hiện bệnh trên lá

- Trên chồi non: Hom giống lấy từ cây sắn nhiễm bệnh hoặc bọ phấn truyền virus gây bệnh ngay khi mới nhú mầm thì chồi non sẽ phát triển chậm, chùn ngọn và lá khảm vàng xanh loang lổ, bản lá xoăn, biến dạng hoàn toàn).

- Trên thân, củ: Bệnh không biểu hiện rõ ràng trên thân, củ. Tuy nhiên khi thân sắn làm giống hoặc thân, gốc sắn còn sót trên đồng ruộng nảy mầm sẽ biểu hiện bệnh như trên chồi non. Mức độ gây hại Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện triệu chứng bệnh ngay khi ra lá đầu tiên và nguy cơ giảm năng suất, chất lượng củ sắn cao nhất, có thể không cho thu hoạch; cây sắn bị nhiễm virus khi mới phát triển những lá đầu tiên cũng có nguy cơ cao giảm năng suất, chất lượng nghiêm trọng; khi cây sắn khoảng 2 tháng tuổi trở lên mới nhiễm virus thì biểu hiện bệnh nhẹ hơn, năng suất, chất lượng giảm ít hơn.

Niên vụ 2025, bệnh có khả năng sẽ tiếp tục lây lan, gây hại nhiều nơi làm sắn phát triển kém, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng, chất lượng sắn trên địa bàn toàn tỉnh. Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong niên vụ mới cần rà soát hiện trạng vùng sắn dự kiến để giống cho niên vụ mới, tuyệt đối không sử dụng hom giống sắn từ các vùng sắn đã bị nhiễm bệnh để trồng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về việc mua, bán, vận chuyển giống sắn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trồng sắn áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn ban hành theo công văn số 1772/BVTV-TV ngày 08/8/2024 của Cục Bảo vệ thực vật.

Một số biện pháp kỹ thuật áp dụng cụ thể như sau:

* Biện pháp phòng bệnh:

- Tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào ở vùng bị bệnh đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trên địa bàn, không vận chuyển thân cây sắn bị bệnh đến vùng chưa bị bệnh; không vận chuyển thân cây sắn bị bệnh ra khỏi vùng đang bị bệnh. Sử dụng giống sắn đảm bảo sạch bệnh, rõ nguồn gốc.Tuyệt đối không được để giống từ những khu vực nhiễm bệnh cho vụ sau; cấm mua, bán, trao đổi, vận chuyển hom sắn từ các vùng bị bệnh về làm giống (kể cả cây sắn thu từ vùng không nhiễm bệnh đưa đến bảo quản, cất giữ tại vùng đang bị bệnh).

- Chọn giống trồng mới: Chỉ chọn những cây khỏe ở vùng không bị bệnh để làm giống, những vùng nhiễm bệnh nặng các năm trước ưu tiên sử dụng các giống sắn mới có tiềm năng năng suất và có khả năng kháng bệnh khảm lá như: HN1, DT4, HN5,... để trồng.

- Ở những vùng trồng sắn đã bị bệnh khảm lá nặng từ 2 vụ liên tiếp trở lên tiến hành chuyển đổi cây trồng phù hợp, kết hợp loại bỏ các cây ký chủ của bọ phấn (cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, ớt,…) ít nhất một vụ để cắt nguồn virus gây bệnh còn tồn tại trong cơ thể bọ phấn.

- Bón đầy đủ phân hữu cơ và vô cơ theo các giai đoạn giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt để tăng sức đề kháng bệnh và tăng năng suất.

- Ở những vùng đã bị bệnh nặng trong các năm trước hoặc ruộng gần khu vực có sắn đang bị bệnh cần kiểm tra sớm sự xuất hiện của bọ phấn để phòng trừ kịp thời hạn chế lây truyền bệnh; có thể phun thuốc trừ bọ phấn 2 lần, lần 1: Khoảng 20 - 25 ngày sau trồng (cây mới ra 1 - 2 cặp lá), lần 2: Khoảng 1,5 - 2 tháng sau trồng (cây cao 0,5 - 0,7m) nếu trên ruộng vẫn xuất hiện nhiều bọ phấn.

* Biện pháp trừ bệnh:

- Chỉ tiêu hủy cây bị bệnh nặng, không còn khả năng cho năng suất; tiêu hủy những hom không mọc mầm trở lại và tiết kiệm chi phí nhất.

- Đối với cây sắn dưới 2 tháng tuổi: Cần thường xuyên kiểm tra, nhổ và tiêu hủy (phơi khô, băm nát hoặc đốt) những cây sắn có biểu hiện bệnh nặng, cây lùn lụi không có khả năng cho năng suất.

Hình 2: Nhổ những cây sắn có biểu hiện bị bệnh

- Đối với cây sắn trên 2 tháng tuổi: Bón phân đầy đủ, có thể bổ sung thêm phân bón qua lá để tăng sức đề kháng bệnh và giảm thiệt hại về năng suất; sau khi thu hoạch củ cần thực hiện tiêu huỷ (cày vùi, thu gom phơi khô, băm nát hoặc đốt) thân cây sắn bị bệnh, không lấy thân cây sắn bị bệnh khảm lá làm giống.

Dương Thị Hồng Vân - Trạm Trồng trọt và BVTV liên huyện Gio Linh - Cam Lộ

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1163

Tổng lượt truy cập: 3.865.140