Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 

Sâu keo mùa thu là loài côn trùng đa thực, có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng như ngô, đậu tương, bông, lúa, mía,… trong đó, cây ngô là thức ăn ưa thích nhất. Nó có khả năng lây lan nhanh, gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất của cây ngô nếu không được phát hiện và phòng trừ sớm.

Sâu keo mùa thu bắt đầu xâm nhập vào địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị từ vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và gây hại trên nhiều diện tích ngô, mật độ nơi cao lên đến 6 con/m2. Huyện Đakrông là địa phương có diện tích gieo trồng ngô hàng năm khá lớn gần 2.000 ha. Vì vậy, công tác phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô là rất quan trọng và cấp thiết nhằm giảm thiệt hại, bảo vệ và phát triển sản xuất an toàn, bền vững.

Sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea), thuộc nhóm côn trùng biến thái hoàn toàn, vòng đời gồm 4 pha phát dục: trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.

- Trứng có hình cầu, đường kính 0,75 mm, khi mới đẻ có màu xanh, sau đó chuyển sang màu trắng sữa, trước khi nở chuyển sang màu nâu nhạt. Trứng thường được đẻ thành ổ xếp thành hai lớp, vị trí ổ trứng thường nằm ở mặt trên trên của phiến lá hoặc cạnh cuống lá. Mỗi ổ trứng khoảng 50 - 200 quả và được bao phủ bởi một lớp lông màu hồng - xám. Trứng nở sau 2 - 10 ngày sau khi đẻ, nếu ở nhiệt độ 23 -30oC thì trung bình 3 - 5 ngày trứng sẽ nở.

- Sâu non có 6 tuổi, sâu tuổi 1 - 2 cơ thể màu xanh nhạt - vàng nhạt. Khi phát triển sang tuổi 3 - 6 có màu nâu xám - nâu xám với các sọc dọc thân. Sâu non tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm, lên tuổi 3 dài 6 - 9 mm, tuổi 6 đẫy sức sâu non dài 30 - 40 mm. Trên trán sâu non tuổi lớn  nhìn rỏ chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng đốt bụng cuối có bốn đốm đen được sắp xếp thành hình vuông, trong khi các đốt khác có bốn đốm đen xếp thành hình thang. Sâu non là giai đoạn gây hại của sâu keo mùa thu, khi mới nở nhanh chóng di chuyển đến những vị trí có lá non và có thể nhả tơ để nhờ gió phát tấn đến các cây khác gần đó để gây hại. Sâu tuổi 1 - 2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng, sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”. Thời gian pha sâu non kéo dài 14 - 21 ngày, nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì thời gian pha sâu non kéo dài khoảng 30 ngày.

Triệu chứng gây hại của sâu keo mùa thu giai đoạn sâu non

- Nhộng của sâu keo mùa thu thuộc dạng nhộng bọc, màu nâu cánh dán sáng bóng, đốt bụng cuối cùng có 2 gai. Nhộng đực dài 13 - 15 mm còn nhộng cái dài 16 - 17 mm. Nhộng vũ hóa phần lớn trong đất ở độ sâu 2 - 8 cm. Thời gian pha nhộng kéo dài từ 9 - 13 ngày.

- Trưởng thành đực có chiều dài trung bình 16 mm, sải cánh trung bình 37 mm, cánh trước lốm đốm nâu nhạt, xám với một đốm hình bầu dục màu xám trắng - vàng rơm. Cánh trước của trưởng thành cái không có hoa văn rõ ràng. Trưởng thành hoạt động về ban đêm, từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay nhiều ki-lô-mét để tìm nơi để trứng, có thể di chuyển hàng trăm ki-lô-mét nhờ gió. Trưởng thành thường đẻ trứng vào ban đêm, mỗi trưởng thành cái có sức đẻ từ 6 - 10 ổ trứng tương đương 1.000 – 2.000 trứng. Trưởng thành sống trung bình từ 12 - 14 ngày.

Các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô

Sâu keo mùa thu là đối tượng rất khó phòng trừ, khả năng kháng thuốc rất cao, do đó, để phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô hiệu quả cần thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như sau:

- Biện pháp canh tác

+ Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

+ Làm đất kỹ, phơi ải đất trước khi trồng để diệt ấu trùng và nhộng trong đất.

+ Những nơi đủ điều kiện có thể luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô.

- Biện pháp thủ công

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

+ Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.

- Biện pháp sinh học

+ Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch.

+ Sử dụng nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

+ Nhân thả ong ký sinh trứng như ong mắt đỏ, … các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm,… để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.

- Biện pháp bẫy, bả

+ Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.

+ Trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so với thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên diện tích này.

- Biện pháp hóa học

+ Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực trong danh mục được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn cây ngô 3 - 6 lá).

+ Có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu để phun trừ như Angun 5WG, Map Winner 5WG, Vi - BT 32000WP, Match 050 EC, Opulent 150SC, Radiant 60SC,...

Lưu ý: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì, phun 2 lần, cách nhau 5 - 7 ngày, lượng nước phun ít nhất 400-600 lít/ha. Phun theo hàng, phun chụp vào nõn ngô thật kỷ và phun đều 2 mặt lá, nách lá.

Phạm Văn Hoàng - Trạm Trồng trọt và BVTV liên huyện Hướng Hóa - Đakrông.

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 3

Tổng lượt truy cập: 3.865.147