Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Huyện Triệu Phong hiện có khoảng 15.000ha rừng, trong đó có trên 13.000 ha rừng trồng. Cây trồng chủ yếu là cây thông, keo các loại. Đây được xem là ưu thế để huyện phát triển nghề kinh doanh, chế biến lâm sản. Những năm qua huyện đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến lâm sản, nhất là chế biến sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như: gỗ dăm, ván ghép thanh, hàng mộc dân dụng, hàng mộc cao cấp... Huyện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lao động, nhất là lao động có tay nghề thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản có quy mô đang hoạt động. Do được đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn luôn duy trì ổn định, nhiều đơn vị phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, hàng trăm lao động của địa phương đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các xưởng sản xuất. Trong đó, với các lao động phổ thông thu nhập trung bình 4 - 6 triệu đồng/người/tháng; đối với lao động có kỹ thuật, tay nghề cao có thể thu nhập từ 10 triệu đồng/người/tháng trở lên. Mỗi năm các doanh nghiệp thu mua khoảng 100.000 đến 150.000 tấn nguyên liệu, thành phẩm sau chế biến xuất bán đạt trên 100 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, phát triển chế biến, kinh doanh lâm sản của huyện trong thời gian gần đây đang gặp phải một số khó khăn, như: ngay bản thân nội tại doanh nghiệp gỗ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững ( quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…). Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ rừng trồng chưa chú trọng liên kết với người dân về việc phát triển vùng nguyên liệu; nhiều doanh nghiệp và cơ sở đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhưng không có quỹ đất; khó khăn về vốn để đầu tư; khó khăn ở khâu tiêu thụ, sản phẩm đơn điệu... Đặc biệt, những năm vừa qua các doanh nghiệp chế biến lâm sản gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm mạnh, đồng thời giá hầu hết các mặt hàng cũng giảm sút.

Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH  MTV gỗ Nguyên Phong cho biết: Trong thời gian tới, để giải quyết khó khăn hiện tại công ty tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất bán nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; Chủ động triển khai các hoạt động liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung. Ngoài việc các nhà thầu khác đến ký kết, công ty cũng chủ động ra ngoài tìm kiếm đối tác nhập hàng của công ty. Chúng tôi kỳ vọng  quý 2/2024 tình hình kinh tế khởi sắc hơn, công ty có thể sản xuất đạt được công suất tối đa.

Với tiềm năng lớn về lâm nghiệp, Triệu Phong xác định sản xuất, kinh doanh lâm sản là mũi nhọn trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá những kết quả và những khó khăn, huyện sẽ tiếp tục định hướng, xây dựng, chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương  và doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cụ thể như:  Tăng cường tuyên truyền các nội dung về sự cần thiết, hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách liên kết, các dự án liên kết  sản xuất, kinh doanh lâm sản. Tạo điều kiện tham quan học tập các mô hình có thực hiện chuổi liên kết hiệu quả. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm lâm sản; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh tiêu thụ lâm sản từ các chương trình, dự án quy mô lớn, công nghệ cao nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh lâm sản phát triển bền vững.

                            Bùi Công Phú

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 65

Tổng lượt truy cập: 3.873.030