Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Quảng Trị là vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát, cả về con người lẫn môi trường sinh thái. Rừng Trường Sơn đã từng bị bom Mỹ làm cho cháy rụi, đất đai bị cày xới, nhiều loài động vật không có nơi để sinh sống. Sau gần 50 năm hòa bình lập lại, đất và rừng Quảng Trị đã hồi sinh, nhiều loài động vật hoang dã quy hiếm đã xuất hiện trở lại, nhiều loài chim di cư đã chọn nới đây làm nới cư trú lâu dài.

Quảng Trị có 4 dòng sông lớn là Ô Lâu, Thạch Hãn, Hiếu Giang và Bến Hải, đều khởi nguồn từ địa danh nổi tiếng như Đỉnh Voi Mẹp, Đỉnh Ba Lê và nơi đây cũng là ngôi nhà của các loài sịnh vật. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, từ năm 1999, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với viện điều tra quy hoạch rừng thực hiện công tác điều tra rừng, lập đề án thành lập các khu rừng đặc dụng của tỉnh.

Đến nay, Quảng Trị đã có 3 khu bảo tồn thiên nhiên và đã được Bộ NN và PTNT xếp hạng là Khu bảo tồn thiên nhiên với mục tiêu bảo tồn tài nguyên rừng tự nhiên, bảo tồn các quần thể các loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, đồng thời duy trì hệ sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông trong khu vực.

Được biết đến là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với địa hình đặc trưng là vùng thấp nhất của dãy Trường Sơn. Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là khu bảo tồn duy nhất năm về phía Tây của dãy Trường Sơn, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là nới phân bố của loài gà lôi lam mào trắng, loài quy hiếm đặc hữu, phân bố hẹp chỉ mới ghi nhận duy nhất tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Kết quả, điều tra, nghiên cứu đã ghi nhận Quảng Trị có 110 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 72 loài cá nước ngọt và 2.152 loài thực vật. Trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương…Điều đó cho thấy, các khu bảo tồn thiên nhiên của Quảng Trị vừa đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn, cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý của nhân loại.

Những thành tựu và kết quả trong công tác bảo tồn thiên nhiên suốt 25 năm qua có sự đóng góp to lớn của các cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng. Nhắc đến nhiệm vụ của họ là nhắc đến những đỉnh núi quanh năm mây phủ, nơi dấu chân người còn hiếm hoi; những cánh rừng già thâm u, hùng vĩ và đầy chất thơ nhưng cũng ẩn chứa muôn vàn thử thách, hiểm nguy; là những bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn còn nghèo khó, lạc hậu. Dẫu vậy, các anh vẫn kiên cường bám trụ, lặng lẽ hòa mình cùng núi rừng để bảo vệ và gìn giữ màu xanh cho quê hương.

Những con số thống kê chẳng bao giờ có thể nói hết những công việc gian khổ của người cán bộ Kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng. Với các anh, mỗi năm 12 tháng, dù là mùa Đông hay mùa Hạ, dù trời nắng hay mưa, thì những chuyến đi vượt suối sâu, núi cao vẫn chưa bao giờ dừng lại. Những hành trình ấy tưởng chừng đã trở nên quen thuộc nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm nguy. Ngoài việc đối mặt với địa hình hiểm trở, họ còn phải đấu tranh với các đối tượng xâm hại rừng. Nhưng khi núi rừng trở thành nhà, bà con dân bản trở thành anh em ruột thịt, họ lại có thêm niềm tin để tiếp tục vượt qua mọi gian khó.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, nhưng cán bộ Kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng cũng thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện nhiều hoạt động để phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống. Từ việc, chỉ quen với khai thác, sử dụng các sản phẩm sẵn có ở rừng. Đến nay, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng, thực hiện nhiều hoạt động, mô hình phát triển sinh kế bền vững, định canh tại chỗ, cuộc sống của người dân vùng đệm các khu bảo tồn được cải thiện đáng kể.

Từ trên những đỉnh núi mờ sương, phủ kín rêu xanh, những giọt nước nhỏ đang ngày đêm cùng nhau hợp sức để tạo thành suối, thành sông, để góp phần cung cấp sự sống cho con người và muôn loài. Trong như những giọt nước ấy có cả mồ hôi, công sức của đội ngũ cán bộ Kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng.. các anh đang lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ đóng góp công sức của mình để bảo vệ sự đa dạng sinh học của núi rừng, giữ gìn màu xanh cho quê hương./.

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1103

Tổng lượt truy cập: 3.865.080