Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Động vật hoang dã (ĐVHD) có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt động vật nguy cấp, quý, hiếm là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được Thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thực hiện công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã, trong thời gian qua, các cấp, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở gây nuôi ĐVHD, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên.

Trên địa bàn tỉnh có 58 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB và động vật rừng thông thường với 15 loài và 6.737 cá thể, trong đó có 41 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB với 8 loài: 4.168 cá thể và 17 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường với 7 loài: 2.569 cá thể. Với việc tăng đột biến về số lượng cơ sở nuôi, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới đã đặt ra cho lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị nhiều thách thức trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã.

Để quản lý, giám sát hiệu quả. Ngay sau khi Nghị định 06/2019/NĐ-CP có hiệu lực và Thực hiện chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng chính phủ về một số giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm đã ban hành nhiều văn bản, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chỉ thị để thực hiện quản lý, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, ...Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thuộc phụ lục CITES.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, Trạm kiểm lâm trực thuộc tham mưu cho UBDN các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã ở trên địa bàn. Trong đó tập trung quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Phổ biến, quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD; Khuyến khích người dân thông tin, tố giác các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD; Tổ chức ký cam kết với các nhà hàng, quán ăn không tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên từng địa bàn; định kỳ và đột xuất các cơ sở gây nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với BQL Dự án VFBC tỉnh triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và giám sát các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn còn nhiều khó khăn như: khó phân biệt ĐVHD gây nuôi với ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên; thiếu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc, tiêu chuẩn chuồng trại; khó khăn trong giám sát, cập nhật sổ theo dõi; thiếu nhân lực chuyên môn thú y; nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ ĐVHD sang người và vật nuôi; năng lực thực thi pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục Tăng cường chỉ đạo, huy động nguồn lực bảo vệ ĐVHD,  Đẩy mạnh tuyên truyền, tố giác hành vi nuôi, buôn bán trái phép ĐVHD, Siết chặt quản lý cơ sở gây nuôi, định kỳ kiểm tra;  Tổ chức tập huấn nhận dạng ĐVHD và sản phẩm cho lực lượng liên quan; Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Trần Quang Phục

Phòng QLBVR-BTTN, Chi cục Kiểm lâm

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1119

Tổng lượt truy cập: 3.865.096