Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác quá mức tài nguyên rừng ngày càng diễn biến phức tạp, công tác bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, đặc biệt là lan rừng đặc hữu, đang được Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị (Ban quản lý) chú trọng triển khai với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Nổi bật trong số đó là mô hình bảo tồn lan rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Với tổng diện tích bảo vệ hơn 66.000 ha trải dài trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã xây dựng vườn lan tại trụ sở Ban quản lý (xã Tà Long, huyện Đakrông), hướng tới bảo tồn chuyển vị các loài lan từ môi trường tự nhiên về chăm sóc trong điều kiện bán tự nhiên. Mô hình không chỉ góp phần lưu giữ nguồn gen thực vật quý hiếm, mà còn phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiêu biểu, năm 2021, thông qua chương trình hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, Ban quản lý đã tiếp nhận 4.000 cây lan Giả hạc (Dendrobium anosmum) giống nuôi cấy mô và triển khai trồng thử nghiệm. Đến tháng 4/2023, thêm 200 chậu lan Giả hạc được chuyển giao nhằm tiếp tục mở rộng quy mô bảo tồn và đánh giá khả năng thích nghi của loài trong điều kiện địa phương. Tính đến nay, vườn lan đã chăm sóc và bảo tồn hơn 300 mẫu thuộc 25 loài lan và địa lan quý hiếm như Lan hài (Paphiopedilum spp.), Lan kim tuyến (Anoectochilus seraceus), Nhất điểm hồng, Hoàng thảo xoắn, Kiều tím, các loài Quế, Kiếm, Nghinh Xuân... Đây đều là những loài có giá trị sinh thái, thẩm mỹ cao nhưng đang bị suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên.

 

Thực tế cho thấy, nhu cầu thị trường đối với lan rừng, đặc biệt là các loài có giá trị làm thuốc như lan Kim tuyến, đang ngày càng tăng. Trong khi đó, đời sống người dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tài nguyên rừng khiến tình trạng khai thác lan tự nhiên diễn ra phổ biến. Trước thực trạng này, Ban quản lý đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ như khoanh vùng trọng điểm, giám sát nghiêm ngặt khu vực phân bố lan đặc hữu, đồng thời nhân giống bán tự nhiên và tuyên truyền cộng đồng tích cực tham gia bảo tồn.

Với cách tiếp cận khoa học, bài bản và sự đầu tư đúng hướng, mô hình vườn lan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây cũng là nền tảng quan trọng để mở rộng các hoạt động nghiên cứu, tham quan, giáo dục môi trường trong tương lai.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, Ban quản lý tiếp tục triển khai hoạt động “Bảo tồn chuyển vị một số loài lan nguy cấp, quý hiếm và có giá trị thương mại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa”. Đây là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa đối tượng bảo tồn, tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và từng bước hình thành mạng lưới bảo tồn lan liên vùng trên địa bàn tỉnh.

                                    Nguyễn Thanh Bảy - Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 413

Tổng lượt truy cập: 3.894.744