Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không chỉ được biết đến với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều mà còn là một điểm sáng tiêu biểu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Từ năm 2017, thôn được giao quản lý, bảo vệ gần 800 ha rừng tự nhiên. Phần lớn diện tích rừng của thôn tiếp giáp trực tiếp với vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang được gìn giữ và bảo tồn.

Trước khi nhánh Tây của tuyến đường Hồ Chí Minh chưa được xây dựng, nơi đây gần như biệt lập với bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại của người dân các xã vùng Bắc Hướng Hóa nói chung khá thuận lợi, nhiều bản làng thoát khỏi tình trạng cô lập kéo dài. Tuy nhiên, cùng với sự thuận lợi về giao thông, công tác quản lý và bảo vệ rừng cũng đối mặt với nhiều thách thức mới. Các đối tượng xấu có thể dễ dàng tiếp cận khu vực rừng để săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản trái phép làm suy giảm tài nguyên rừng và nguy hiểm hơn là mất đi vùng đệm, vùng hành lang để bảo vệ vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Để bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên, rừng phải có chủ…, ngành Kiểm lâm Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai giao rừng cho cộng đồng quản lý. Thôn Chênh Vênh là một trong 112 cộng đồng trên toàn tỉnh được nhận rừng và tổ chức lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ. Với tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng cao, tổ bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh đã luân phiên tuần tra, canh gác để giữ cho những cánh rừng luôn xanh tươi, bền vững.

Người góp phần lớn trong thành công này là ông Hồ Văn Chiến, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng của thôn. ông Chiến là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác điều hành, hiểu và biết về nhiều loài động thực vật quy hiếm, những loài cây thuốc…đặc biệt là khả năng nắm bắt về tình hình về diễn biến rừng.

Ông còn là "người truyền lửa" cho thế hệ trẻ khi luôn tận dụng mỗi chuyến đi rừng để truyền dạy những kiến thức bản địa quý giá về lâm nghiệp, chia sẻ về kinh nghiệm đi rừng tuần tra… Nhờ ông, lớp trẻ ở Chênh Vênh đã dần hình thành ý thức bảo vệ rừng như chính bảo vệ môi trường sồng của cộng đồng.

Trong gần 20 năm thực hiện giao rừng, toàn tỉnh Quảng Trị đã giao hơn 19.200 ha rừng tự nhiên cho các hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Khi giao rừng, cộng đồng, hộ gia đình được tập huấn, hỗ trợ thành lập tổ bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng cộng đồng…Tuy nhiên, vẫn có cộng đồng ít quan tâm đến nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ, chưa xem diện tích rừng được giao là tài sản của cộng động, dẫn đến nhiều nơi, rừng vẫn bị xâm hại. Riêng tại thôn Chênh Vênh, nhờ có sự đồng lòng của người dân, nhiệt tình của già làng, trường bản, công tác bảo vệ rừng được đánh giá là điểm sáng trong tỉnh, các vụ việc vi phạm đều được người dân phát hiện và báo cáo kịp thời, nhiều đối tượng khai thác gỗ trái phép đã bị xử lý nghiêm minh, góp phần răn đe và giữ vững kỷ cương bảo vệ rừng.

Từ sự nổ lực của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, đến nay đã có nhiều nhiều tổ chức xã hội giúp đỡ, hỗ trợ. Đặc biệt là hỗ trợ cây giống để cộng đồng trồng bổ sung, phục hồi rừng, phục hồi những điểm sạt lở, hỗ trợ kết nối với các cở sở kinh doanh/chế biên, để cộng đồng có thể sản xuất và bán các sản mây tre, các lâm sản ngoài gỗ thu hái dưới tán rừng, qua đó có thêm điều kiện và nguồn lực để bảo vệ rừng.

Điều đáng quý hơn cả là sự thay đổi trong nhận thức của người dân: Từ chỗ coi rừng là nguồn khai thác, nay đã chuyển thành tài sản chung cần gìn giữ và trân trọng. Coi việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, sinh kế của chính họ, đồng thời là bảo vệ những giá trị về văn hóa, thiên nhiên và con người trên dãy Trường Sơn./.

Nguyễn Ngọc Tuấn

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 7

Tổng lượt truy cập: 3.873.067