Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

          An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị và quan hệ quốc tế.
          Đảm bảo an toàn thực phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, từ năm 1999, Thủ tướng chính phủ đã chỉ thị hàng năm tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” để tăng cường truyền thông, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành các cơ quan và cả cộng đồng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. 
Thực hiện Kế hoạch số 337/KH-BCĐTƯATTP ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 44/KH-triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 tại tỉnh Quảng Trị. Theo đó, Tháng hành động vì ATTP năm nay sẽ được triển khai từ ngày 15/4/2025 đến ngày 15/5/2025 với chủ đề: “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. 
        Để triển khai có hiệu quả kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh, ngày 31/3/2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 618/KH -SNNMT Kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Môi trường. Nội dung kế hoạch nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền rõ các hành vi vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm và mức xử phạt tương ứng. Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thói quen, lề lối mất vệ sinh nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; Tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. 
      Tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của Pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ; kinh doanh rau, củ, quả; nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy sản; sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn và tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, hoá chất cấm trong thực phẩm.
       Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông qua kênh truyền thông khác nhau như Đài Truyền hình, mạng internet, báo chí, Website, hệ thống đài truyền thanh ở thị trấn, xã, phường để chuyển tải thông điệp Tháng hành động đến các nhóm đối tượng ưu tiên; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả thực thi trong nhân dân; thông qua đội ngũ cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc ngành với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, tập huấn, lễ mít tinh... về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; treo băng - rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, hình ảnh, mạng xã hội. Đặc biệt, cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về các nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm.
       Để tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyễn Thị Vĩnh Thủy - Chi cục Kinh tế hợp tác và Quản lý chất lượng

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1147

Tổng lượt truy cập: 3.865.124